6/8/14

Mần tưới trị bệnh và trừ côn trùng

Mần tưới, có tên khác là trạch lan, lan thảo, hương thảo. Nhân dân thường lấy ngọn non mần tưới để ăn sống làm rau gia vị như các loại rau thơm hoặc băm nhỏ đúc dồi chó, dồi lợn. 
Ngoài ra, mần tưới còn được dùng để trị bệnh và trừ côn trùng. 
Trị bệnh: Theo kinh nghiệm dân gian, cả cây mần tưới, nhất là lá thu hái trước khi cây có hoa, phơi khô, lấy 20g thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày để giải nhiệt, giúp tiêu hóa. Mần tưới phối hợp với củ gấu, ích mẫu, ngải cứu, nhọ nồi (mỗi thứ 120g) phơi khô, tán nhỏ, rây thành bột mịn, trộn với bột gạo và đường kính (nấu thành sirô), làm thành viên to bằng hạt ngô là thuốc dùng cho phụ nữ, chủ trì thiếu máu, suy nhược, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều. Ngày uống hai lần, mỗi lần 25-30 viên.
Để chữa rong huyết, lấy mần tưới, ké hoa vàng, chỉ thiên, mã đề mỗi loại 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 3-5 ngày. Phụ nữ sau khi đẻ bị sốt, ho, kém ăn, mệt mỏi, lấy mần tưới 20g, mạch môn 20g, ngải cứu 10g, nhân trần 6g, rẻ quạt 4g, vỏ quả bưởi đào khô 4g, sắc uống trong ngày. Dùng 10 ngày liền.
Trừ côn trùng: Mần tưới diệt được chấy, rận, rệp; xua đuổi các loại bọ chó, bọ mạt, dĩn, kiến và hạn chế hoạt động của ruồi, muỗi. Muốn diệt chấy rận, lấy cả cây mần tưới, cắt nhỏ, nấu nước đặc, dùng gội đầu, giặt quần áo, chăn màn hoặc đổ nước sắc vào khe giường để trừ rệp. Nếu nấu lẫn mần tưới với lá sả, tác dụng càng tốt hơn. Cho mần tưới tươi vào hũ, đậy kín chống được mọt đỗ xanh, đỗ đen, cau khô.
Để trừ bọ chó, mạt gà, người ta dọn sạch phân và rác bẩn ở chuồng chó, ổ gà, rồi lấy cành lá mần tưới tươi để nguyên hoặc vò nát, lót vào, khoảng 3-5 ngày thay một lần. Lá mần tưới phơi khô, tán bột, rắc vào hòm, tủ để trừ mọt, nhậy.
DS. Bảo Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét