Để bảo sức khỏe của mọi người, mỗi gia đình cần biết cách lựa chọn, bảo
quản và chế biến thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưới
đây là một số cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn.
1. Chọn thịt và sản phẩm từ động vật
Đối với các loại thịt: Trước tiên cần tìm hiểu nguồn gốc cung cấp thịt
hay người kinh doanh buôn bán, thịt và các sản phẩm từ động vật. Dấu hiệu nhận
biết là dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố
ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng.
Đối với thịt, nếu thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt
rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không
để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Nếu thấy mặt thịt thô ráp, ngửi không có
mùi thơm của thịt, đề nghị người bán rạch một lằn dao vào thớ thịt, xem bên
trong có màu tươi hồng của thịt (thịt lợn) hoặc màu đỏ tươi (thịt bò) thì thịt
đó vẫn còn tươi.
Lưu ý:
• Nếu thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt hoặc đám xuất
huyết trên da thì không nên mua vì đó là các dấu hiệu nghi thịt gia súc, gia cầm
đã chết hoặc mắc bệnh hoặc do nhuộm màu.
• Không nên mua thịt có màu nhợt nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt,
đối với thịt lợn không nên mua thịt khi mỡ có màu vàng và mùi khét.
• Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi
trên bao bì và thiết bị bảo quản.
Đối với trứng: Khi mua nên chọn những quả vỏ sạch, màu tươi sáng, vỏ dày
không nứt vỡ, cầm trứng đưa lên gần tai lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng kêu
là trứng tươi, hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái cầm vào hai đầu của quả trứng giơ
về phía ánh sáng, nhìn phía đầu to của quả trứng nếu thấy kích thước bóng khí
càng nhỏ thì trứng càng tươi.
Trước khi chế biến, để biết trứng còn dùng được không thì có thể ngâm trứng
vào nước, nếu thấy trứng chìm là trứng vẫn còn tươi, trứng lơ lửng trong nước
là trứng không còn tươi nữa. Nếu trứng nổi hẳn lên mặt nước thì không nên sử dụng
để chế biến thức ăn. Hoặc khi đập trứng, thấy lòng trắng trứng thu gọn quanh
lòng đỏ (trong đặc, ngoài rìa hơi lỏng, lòng đỏ nguyên vẹn và nổi tròn hẳn) hoặc
sau luộc trứng, bổ đôi quả trứng nếu thấy lòng đỏ nằm chính giữa, không sát vào
bên nào là trứng mới.
2. Cách chọn rau, củ quả
Chọn rau, củ quả tươi:
• Nên chọn rau có màu tươi sáng không héo úa, dập nát, không dính bẩn. Đối
với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì
có thể sản phẩm đó được sử dụng các loại phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật vẫn
còn tồn dư trong rau và bề mặt.
• Đối với các loại rau dạng củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da
căng, không bị dập nát, màu sắc củ phải đồng nhất, không nên chọn mua các loại
củ đã mọc mầm vì ảnh hưởng đến tiêu hóa.
• Khi chọn các loại đỗ quả, mướp đắng nên chọn quả có cuống to màu xanh
tươi, thân mềm, hạt không lớn, không nhỏ.
Chọn các loại rau đã sơ chế:
• Đối với mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày, màu vàng sáng khi nấu sẽ
giòn và ngon, đối với các loại nấm khô nên chọn những nấm có màu vàng sáng,
chân nấm nhỏ và ngắn.
• Đối với măng khô nên chọn mua măng non, có màu hanh vàng là măng phơi
được nắng vì măng càng để lâu màu càng sẫm. Miếng măng ngắn, búp to sẽ ngon
hơn.
(Nguồn: thucphamantoan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét